GIỚI THIỆU VỀ TỔNG THÀNH LẮP RÁP
I. Giới thiệu chung
Truyền lực chính là một tổng thành thuộc hệ thống truyền lực của ôtô. Xét về mặt cấu tạo, hệ thống truyền lực của ôtô có thể gồm nhiều cụm tổng thành khác nhau, tuỳ theo loại hệ thống truyền lực đó là hệ thống truyền lực cơ khí, cơ khí – thuỷ lực, thuỷ lực hay điện từ. Ngay cả đối với hệ thống truyền lực cơ khí, mỗi loại ôtô khác nhau cũng có cách bố trí hệ thống truyền lực khác nhau (ôtô có tính cơ động cao thường có 2 cầu chủ động; ôtô tải loại nặng cũng thường có hai hoặc ba cầu chủ động; ngược lại, ôtô du lịch thường chỉ có một cầu chủ động,…).
1/ Vị trí, chức năng, đặc điểm kết cấu của hệ thống truyền lực:
a/Vị trí:
-Truyền lực chính là tổng thành thuộc hệ thống truyền lực, đối với các loại ô tô thì truyền lực chính luôn được đặt trước các bánh xe chủ động.
- Hệ thống truyền lực bao gồm: Ly hợp – Hộp số- Hộp phân phối- Truyền lực cácđăng- Truyền lực chính- Bán trục- Bánh xe.
b/Chức năng:
+ Đảm nhận tỉ số truyền lớn trong tỉ số truyền chung của hệ thống truyền lực, tăng mômen quay cho bánh xe chủ động.
+ Truyền chuyển động quay dưới một góc 90° từ trục Cácđăng tới bán trục chủ động. Hay nói cách khác là biến chuyển động quay dọc của động cơ thành chuyển động quay ngang của nửa trục.
c/Sơ đồ cấu tạo của truyền lực chính đơn
+Bộ truyền lực chính đơn có bánh răng chủ động 5 được chế tạo liền trục, được gối lên hai ổ bi côn 21va 4 chụm đầu nhỏ vào nhau.
+Cách bố trí các ổ bi côn làm tăng chiều dài đòn chịu lực của các gối đỡ và giảm khoảng cách từ ổ đỡ đến điểm chịu lực của bánh răng quả dứa nhằm tăng độ cứng vững cho trục chủ động.
+Bánh răng bị động được chế tạo thành vành răng rời 12,lắp ghép với nửa vỏ vi sai bằng những bulông 6.Khối bánh răng bị động và vỏ vi sai được gối và quay trên hai ổ bi côn 11 chụm đầu lớn vào nhau nhằm giảm khoảng cách từ điểm chịu lực đến tâm hai gối đỡ để tăng độ cứng vững cho cụm bánh răng .Sự ăn khớp của cặp bánh răng truyền lực chính được điều chỉnh trong khi lắp ráp.
+Truyền lực chính đơn đươc sử dụng ở hầu hết các loại xe con của các hãng TOYOTA,NISSAN,VOLGA,KIA… và trên những xe tải loại nhỏ GAZ-51,GAZ-53,DAEWOO…
2/ Nguyên lý làm việc của truyền lực chính:
- Chuyển động quay từ truc cácđăng qua cặp bánh răng côn, qua cặp bánh răng trụ, qua bộ vi sai đến bán trục.
- Bánh răng nón bị dẫn nối cứng với hộp vi sai. Trong hộp vi sai các bánh răng vệ tinh quay tự do trên chạc chữ thập, các bánh răng này ăn khớp với các bánh răng nửa trục bánh xe trái và phải. Khi quay bánh bị dẫn của bộ truyền lực chính kéo hộp vi sai quay theo, tức là cả chac chữ thập và bánh răng vệ tinh cùng quay.
- Khi xe chuyển động thẳng trên đường bằng phẳng, cả hai bánh xe gặp một sức cản giống nhau, do đó lực tác dụng lên hai bánh răng của nửa trục cũng bằng nhau. Khi ở trạng thái cân bằng, các bánh răng vệ tinh không quay quanh trục của nó. Như vậy tất cả các chi tiết của bộ vi sai quay như một khối liền và tốcđộ quay của hai bánh răng nửa trục (cũng là tốc độ của các nửa trục và các bánh xe dẫn động) sẽ bằng nhau.
- Khi ôtô vào cua, bánh xe phía trong phải khắc phục một sức cản lớn hơn bánh xe phía ngoài và lực trên bánh răng nửa trục có liên hệ với bánh xe phía trong, cũng sẽ lớn hơn. Do đó sự cân bằng của các bánh răng vệ tinh bị phá vỡ và chúng bắt đầu chuyển động lật theo bánh răng nửa trục liên hệ với bánh xe phía trong. Bánh răng này quay quanh trục của nó và làm quay bánh răng của nửa trục thứ hai với tốc độ nhanh hơn. Kết quả là tốc độ quay của bánh xe phía trong giảm, còn của phía ngoài tăng lên. Giúp xe chuyển động không bị trượt dịch và quay trượt.
3/ Điều kiện làm việc của truyền lực chính:
Truyền lực chính là một tổng thành trong cụm cầu chủ động, thuộc phần khối lượng không được treo của ôtô. Vì vậy, trong suốt quá trình ôtô chuyển động, truyền lực chính luôn phải làm việc trong điều kiện rung động lớn, đặc biệt là với các loại xe chuyên chạy trên đường xấu.
Ngoài ra, truyền lực chính còn phải làm việc trong điều kiện vận tốc quay lớn và thường xuyên thay đổi. Do vậy, các cặp bánh răng ăn khớp phải chịu áp lực rất lớn (có thể lên đạt 10000 đến 50000 kG/cm2), chịu mài mòn cao và chế độ tải trọng va đập mạnh.
4/ Yêu cầu kỹ thuật của tổng thành:
Các yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với truyền lực chính là:
+ Đảm bảo tỉ số truyền cần thiết, đồng thời vẫn phải có kích thước và trọng lượng nhỏ, để khoảng sáng gầm xe đạt yêu cầu của tính năng thông qua.
+ Có hiệu suất truyền cao ngay cả khi thay đổi nhiệt độ và vận tốc.
+ Đảm bảo vận hành êm dịu, ít ồn và có độ bền lâu.
5/ Yêu cầu của truyền lực chính:
- Truyền lực chính phải có tỷ số truyền đảm bảo tính năng động lực học và tính năng kinh tế của ôtô:
+ Tính năng kinh tế
+ Tỷ số
- Truyền lực chính cần phải có kích thước nhỏ gọn để đảm bảo khoảng rỗng gầm xe cần thiết.
- Truyền lực chính phải có độ cứng cần thiết.
- Truyền lực chính đảm bảo hiệu suất cao ngay cả khi nhiệt độ thay đổi và vận tốc quay thay đổi.
- Truyền lực chính phải đảm bảo bền trục và điểm tựa.
II. Yêu cầu kỹ thuật lắp ráp, điều chỉnh của truyền lực chính
1. Bánh răng
Các bánh răng ôtô máy kéo làm việc trong điều kiện khá nặng nhọc, chúng truyền lực lớn ở tốc độ vòng lớn. Yêu cầu của truyền lực chính lại phải có kích thước nhỏ cho nên các bánh răng phải có kích thước bé do đó chúng làm việc càng căng thẳng .
Yêu cầu đối với bánh răng truyền lực chính:
- Đảm bảo truyền mô men quay đều đặn.
- Làm việc không ồn.
- Ăn khớp đúng mặc dù có sự sai lệch một ít về khoảng cách các đường tâm bánh răng ăn khớp.
- Đủ độ bền làm việc.
Trên các bộ phận truyền lực của ôtô máy kéo dạng răng được dùng chủ yếu là dạng răng thân khai. Răng có dạng thân khai đảm bảo các yêu cầu nêu trên đối với bánh răng của truyền lực chính. Chính phương pháp tạo đường thân khai đã xét đến độ êm dịu khi ăn khớp và kéo theo đó là sự truyền mô men quay một cách êm dịu. Muốn cho các bánh răng ăn khớp đều đặn không gây nên gia tốc cần phải đảm bảo hệ số trùng khớp yêu cầu.
Để đảm bảo những yêu cầu về độ bền, độ chống mòn, độ êm dịu làm việc cao cũng như làm giảm kích thước hộp số thì ở nghành chế tạo ôtô máy kéo người ta không dùng hình dạng răng như đã quy ước mà người ta phải điều chỉnh lại bánh răng theo các phương pháp sau: điều chỉnh chiều cao, điều chỉnh góc, điều chỉnh hình dạng bên và điều chỉnh tiếp tuyến.
2. Trục
Kích thước và vật liệu chế tạo trục có ảnh hưởng lớn đến khả năng làm việc lâu dài của bánh răng và ổ bi. Sơ đồ động học của truyền lực chính ảnh hưởng đến kích và tải trọng lên trục. Một trong những yêu cầu cơ bản đối với trục là độ cứng.
Trục càng cứng vững sẽ làm tăng độ bền các bánh răng và giảm tiếng ồn khi các bánh răng làm việc vì lúc đó bánh răng không bị vênh.
Ngoài đảm bảo độ cứng vững ra trục còn phải đảm bảo độ bền, độ chính xác của các kích thước hướng trục cũng như các kích thước hướng kính.
3. Ổ trục
Do ổ được chọn theo hệ số khả năng làm việc, cho nên ổ phải được đảm bảo độ bền và kích thước. Trong một số trường hợp có khi để đảm bảo vấn đề lắp ghép mà ổ phải lớn để có thể luồn trục qua lỗ đặt ổ của vỏ truyền lực chính.
Ổ được đặt trực tiếp lên lỗ ở thành vỏ. Vòng trong ổ bi đặt lên trục theo kiểu lắp ghép có độ dôi loại trung gian cấp 4 (T4) theo hệ thống lỗ và được hãm bằng êcu. Vòng ngoài đặt lên thành vỏ theo lắp ghép trung gian cấp 1(T1) hoặc cấp 2 (T2) theo hệ thống trục. Lắp ghép ổ lên trục và vỏ theo chính xác cấp 2. Các cốc đặt ổ sử dụng trong trường hợp khi vỏ truyền lực chính chế tạo bằng hợp kim nhẹ hoặc khi chiều dày thành vỏ nhỏ hơn chiều rộng vòng bi.
4. Vỏ truyền lực chính.
Vỏ truyền lực chính phải đảm bảo yêu cầu trọng lượng bé đồng thời phải yêu cầu độ cứng vững tốt để đảm bảo cho trục và ổ bi không bị vênh đi do các lực tác dụng sinh ra khi ôtô máy kéo làm việc.
Hình dạng và kích thước của vỏ truyền lực chính phụ thuộc bởi sơ đồ động học của truyền lực chính, bởi cách bố trí các trục và cách bố trí các bánh răng.
Để bôi trơn truyền lực chính ở vỏ phải có lỗ đổ dầu mới, bộ phận kiểm tra mức dầu và nút để tháo dầu cũ. Lỗ tháo dầu phải bố trí ở vị trí thấp nhất của vỏ và đáy vỏ phải có độ nghiêng cho dầu chảy xuống được lỗ tháo dầu. Để giữ áp suất trong truyền lực chính bằng áp suất khí trời trên nắp hộp số phải có nắp hoặc rãnh thông hơi.