Quy định về thắt dây an toàn cho người lái xe ô tô và người ngồi trên xe ô tô
Từ ngày 1/8/2016, thắt chặt quy định thắt dây an toàn
Luật giao thông đường bộ của Việt Nam hiện còn tồn tại nhiều quy định bất cập so với Công ước quốc tế 1968 về Giao thông Đường Bộ và Công ước về Biển báo – Tín hiệu đường bộ mà Việt Nam gia nhập vào năm 2015. Một trong số đó phải kể đến quy định thắt dây an toàn đối với người ngồi trên ôtô.
Trên thực tế, không ít vụ tai nạn ô tô đã gây ra hậu quả thương tâm mà một phần nguyên nhân là do người ngồi trên xe không thắt dây an toàn. Theo kết quả các nghiên cứu, khi bị đâm về phía trước, lái xe chỉ có thể không bị chấn thương nếu phương tiện đang chạy ở tốc độ 5km/h. Ngược lại, khi xe di chuyển ở vận tốc 70km/h, quán tính của người ngồi trên cũng gần bằng tốc độ của xe, rất nguy hiểm khi dừng lại đột ngột.
Mặc dù vậy, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cho rằng: Luật giao thông đường bộ hiện nay chỉ khuyến khích chứ chưa bắt buộc người ngồi ghế sau ô tô phải thắt dây an toàn. Ông cho rằng để đảm bảo an toàn, cần phải quy định triệt để vấn đề này. Ở Việt Nam, tại Điều 9, khoản 2 của Luật GT đường bộ cũng quy định lái xe và hành khách phía trước phải sử dụng dây an toàn. Trước đó, Nghị định 171 và 107 của Chính phủ cũng đưa ra mức phạt từ 100-200 nghìn đồng đối với những ai không dùng thiết bị này khi ngồi ở hàng ghế đầu.
Dù đã có quy định song bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Chế Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thành viên Ban soạn thảo Nghị định 46/2016 nhận định: luật pháp nước ta vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với Công ước Quốc tế 1968. Theo đó, tất cả những người ngồi trên xe đều phải thắt dây an toàn, bao gồm cả hàng ghế trước và ghế sau.
Do đó, theo Nghị định 46 vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, tài xế ô tô sẽ bị phạt tiền từ 100-200 nghìn đồng cho mỗi người ngồi trên xe không sử dụng dây an toàn. Số lượng hành khách vi phạm càng nhiều, mức tiền lái xe bị phạt càng cao. Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc các cơ quan chức năng vào cuộc, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông mới là điều quan trọng nhất. Điều này sẽ giúp ích cho việc đảm bảo an toàn, cũng như giảm thương vong do tai nạn giao thông gây ra.